Điều bạn học từ đứa bạn thân nhất của bạn là gì?
Tôi có 1 đứa bạn đồng môn, đồng khóa, cùng lớp đại học. Chúng tôi là dân sư phạm, ra trường đứa nào cũng lo mà kiếm trường để dạy. Ai cũng mong muốn ra trường đều được vào trường công, biên chế, nhưng hồi đó để mà vào trường công ở SG, thì phải có hộ khẩu, mà muốn có hộ khẩu thì phải "chạy" chứ không thoáng như bây giờ. Thậm chí hồi đó còn có dịch vụ làm hộ khẩu thành phố, có sổ hẵn hoi, nhưng địa chỉ là địa chỉ ma.
[Có đứa ở chúng phòng trong ký túc xá, bỏ tiền "chạy" 2 cái hộ khẩu cho mình và người yêu, để ra trường ở lại thành phố lập nghiệp. Ngày nhận được hộ khẩu, vì để kiểm chứng, hắn đi theo địa chỉ trên hộ khẩu xem thử mình nhập khẩu ở đâu. Lần theo dấu vết trên hộ khẩu của mình, hắn dẫn đến một khu đất gần nghĩa địa chỉ có lèo tèo vài ngôi nhà. Thế là hắn hiểu ra và tất nhiên là cũng không xin được vào trường công với cái hộ khẩu ma đó. Khổ nỗi là muốn làm hộ khẩu mới thì hắn phải cắt hộ khẩu ở quê, để rồi khi không xin được việc ở thành phố, lại phải nhập khẩu lại hộ khẩu ở quê để xin việc. Khổ thế đấy.]
Phần này đọc chơi thôi nha, phần chính ở phía dưới. Nhớ đọc tiếp nha
Ra trường tôi may mắn được nhận về làm ở một trường cao đẳng, còn thằng bạn tui thì xin việc ở trường tư, vừa dạy, vừa quản nội trú cấp 2- 3 (thời đó là bùng nổ trường nội trú). Cứ tưởng hắn không làm nổi, ai ngờ hắn trị được hết, đã vậy hắn còn là idol của mấy đứa nhỏ. Nhưng hắn cũng không thoát khỏi các suy nghĩ "phải biên chế" nên khi biết Bình Dương đang tuyển giáo viên không cần hộ khẩu, thế là hắn bỏ trường tư lên Bình Dương lập nghiệp cùng với mấy đứa bạn chung lớp nữa. Kết quả hắn và 4 người bạn khác của tôi đều trúng tuyển. Hắn được phân về một trường trung cấp nghề.
Người ta nói nghề giáo cao quý, nhưng thật sự là bạc, nếu không nói là nghèo. Bản thân tôi đi làm 5 năm cũng nhận ra mình không có gì cả. Hắn cũng vậy, và rồi hắn trở thành một người buôn sách cũ. Nhưng ở Bình Dương người ta không chơi sách cũ, chỉ có Sài Gòn mới có đủ món ăn chơi, mà thú chơi sách cũ thì thật là thâm cung bí sử. Thế là hắn quyết định về Sài Gòn thuê trọ, vừa buôn sách xưa thông qua các mối quan hệ và online, vừa chạy về Bình Dương đi dạy. Sau 2 năm, hắn quyết định bỏ luôn nghề dạy và dấn thân vào nghiệp buôn sách xưa.
Nếu xét về tuổi đời, hắn còn khá trẻ khi làm cái nghề buôn sách xưa, nhưng có lẽ hắn có duyên và đầy quyết tâm, thậm chí là mê sách cũ (chứ chưa nói tới việc mê đọc sách) mà hắn dần trở thành một tay buôn sách xưa có tiếng trong giới. Từ phòng trọ ẩn sâu trong hẻm nhỏ ở quận 9, hắn chuyển kho sách của mình lên khu Trần Não (Quận 2) với tấm biển rất hoành tráng ở lầu 2, mà mỗi lần tôi đi trên cầu Sài Gòn nhìn qua là thấy. Số lượng sách của hắn lên đến cả ngàn cuốn, vừa buôn sách xưa, vừa bán sách cũ, hắn dần có con mắt nhà nghề tinh tường, bạn sẽ không thể nhìn ra một cuốn sách có giá hơn chục chai đâu, nhưng hắn thì có thể tìm thấy vàng trong đống ve chai của người khác.
Sau vài năm lăn lộn trong đống sách xưa, hắn chuyển từ quận 2 lên quận 1 với một cửa hàng cafe sách xưa ngày ở con phố khá đông người, có cả tây và ta cùng đến, tôi cũng đã từng có một buổi chia sẻ nhỏ nhỏ ở đó. Là một nơi khá thú vị, chỗ của hắn từng lên tất cả các báo đài với cách khởi nghiệp ở một lĩnh vực rất ít người chọn như thế.
Điều mà tôi học được từ hắn là sự quyết tâm dứt khoát, dám từ bỏ công việc nhàm chán (như lời hắn nói) để theo đuổi một công việc hoàn toàn mới mà hắn chưa biết điều gì, chỉ là hắn nhìn thấy được cơ hội của mình, và cứ làm thôi. Thứ nữa hắn là người rất sáng tạo, từng là một tiktoker với hàng ngàn follow và lượt xem, trở thành người sáng tạo nội dung của tiktok, nhưng sau đó lại xóa kênh và xây kênh khác cũng rất thành công. Chính sự sáng tạo của hắn, mà quán cafe của hắn luôn có những hoạt động hay, có cả miễn phí để mọi người được tiếp cận sách nhiều hơn. Và còn một từ để nói về hắn nữa, đó là "điên", hắn có cái gì đó mà có thể bạn sẽ nhận ra khi nói chuyện với hắn, như kiểu "cha này điên điên" nhưng cái điên của hắn lại có giá, điên nhưng làm ra tiền, kiểu vậy á.
Có ai nghĩ mình sẽ trở thành người làm kinh doanh khi ngồi ghế nhà trường đâu nhỉ, nhưng hắn và tôi, rốt cuộc cũng là những người làm kinh doanh, dù ở lĩnh vực khác nhau. Thi thoảng cần kiếm vài cuốn sách cũ hay một không gian đầy sách, tôi lại chạy qua hắn. Vừa cafe hay trà vừa đàm đạo. Hắn cần gì cũng có thể ơi tôi.
Bạn thấy đó, có nhiều khi chúng ta bỏ qua những điều hay ho từ chính bạn bè của mình, nhiều khi chúng ta chạy theo những mối quan hệ mới nhưng quên mất những người bạn bên cạnh, họ cũng là một tấm gương đầy nghị lực hay kiến thức thực tiễn để ta có thể học.
Có câu nói rất hay rằng: bạn bè không cần đông, chỉ cần chất lượng". Và Napoleon Hill đã chỉ ra rằng: Hãy ở trong nhóm trí tuệ ưu tú, hay bên cạnh những người thành công, đó là bạn cũng đang có trong tay một trong những nguyên tắc làm giàu kinh điển mà ông ấy viết ra rồi đấy.
Nhận xét
Đăng nhận xét