Cà phê hại thế nào nếu không biết cách uống?


 

Từ một thức uống nên thuốc, cà-phê có thể trở thành thuốc độc không khó nếu người tiêu dùng bỏ quên ít điểm quan trọng. Thí dụ:


- Thói quen uống cà-phê nhiều lần trong ngày, cho dù pha loãng, nếu xét về mặt tác dụng hoàn toàn không có lợi, thậm chí có hại vì dễ gây lệ thuộc.

- Uống cà-phê quá trễ vào buổi chiều, sau 6 giờ chiều là một trong các lý do thường gặp dẫn đến mất ngủ, dù là chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định được tác dụng ức chế trung khu ngủ của cà phê. Theo các nhà nghiên cứu ở Úc, thường thì cà-phê không gây mất ngủ hẳn hoi, nhưng làm giảm độ sâu của giấc ngủ, làm mất giấc mơ và gây cảm giác mệt mỏi khi thức dậy.

1. Cà-phê có thể gây hồi hộp hay thậm chí rối loạn nhịp tim ở người bị cường tuyến giáp hay rối loạn dẫn truyền thần kinh giao cảm, chẳng hạn ở người mãn kinh, mặc dầu hậu quả đó chỉ có tính chất tạm thời, ngắn hạn và không đủ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trên tim mạch.

2. Với người không quen uống cà-phê, hay cho dù uống thường nhưng bất ngờ gặp loại quá mạnh thì tim có thể đập nhanh và tăng huyết áp, nhất là ở người nghiện thuốc lá.

3. Người thiếu máu cơ tim nếu uống hơn 5 tách cà-phê mỗi ngày thì dễ bị nhồi máu cơ tim. Lý do cũng không hẳn vì cà-phê mà thường do tình trạng căng thẳng thần kinh sẵn có của gia chủ.

4. Cà phê có thể làm tăng chất mỡ trong máu tùy theo cách dùng và cách pha cà-phê. Người lược cà phê với lọc bằng giấy ít bị tăng cholesterol trong máu hơn người lược cà phê bằng máy hay qua phin bằng kim loại. Lý do là vì hai tác chất trong cà phê làm tăng mỡ trong máu, cafestol và caweol, lọt qua phin sắt nhiều hơn nếu so với giấy lược. Bên cạnh đó, cà phê rang nguyên hạt dễ làm tăng mỡ trong máu hơn cà phê dưới dạng hòa tan vì dạng sau ít chứa cafestol và caweol.

5. Một số người đã bị viêm loét dạ dày dễ bị cồn cào, bào bọt, thậm chí đầy hơi hay ợ chua khi uống cà phê lúc bụng đói là do cà-phê hưng phấn phản ứng bài tiết dịch vị.

6. Thai phụ không nên uống hơn hai tách càphê mỗi ngày. Tốt hơn nữa là đừng uống, tối thiểu trong ba tháng cuối của thai kỳ, để tránh trường hợp sinh khó vì thời gian chuyển bụng kéo dài.

7. Người bị rối loạn tâm thần nên tuyệt đối tránh xa cà-phê để né nhiều phản ứng khó tiên liệu.

8. Uống cà-phê sữa thậm chí còn có hại nếu người uống đã bị tăng chất mỡ trong máu. Theo chuyên gia dinh dưỡng Đức, uống cà-phê pha nhiều đường, như thói quen của nhiều người xứ mình, thậm chí còn tệ hơn, vì hỗn hợp “cafein + đường” gây co thắt mạch vành đột ngột ở người thiếu máu cơ tim!

9. Theo kết quả một công trình nghiên cứu ở Áo, cà phê có tác dụng lợi tiểu nên dễ gây rối loạn nước và chất điện giải nếu người uống cà phê hay quên uống nước. Hậu quả là nhiều loại muối khoáng như oxalat, urat dễ kết tủa rồi sinh sỏi trong đường tiết niệu.

Uống cà phê cũng như dùng thuốc. Nhiều khi thiếu một chút lại tốt hơn và giảm được phản ứng phụ. Kẹt một nỗi là gặp cà phê ngon chẳng khác nào phóng xe xịn trên đường cao tốc không ổ gà. Khó ở chỗ làm sao thắng gấp khi đang ngon trớn?!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Món quà xa xỉ

Bóc Phốt "Lòng Xào Dưa"